Tọa đàm "Cơ hội tham gia thị trường tín chỉ các bon cho hệ thống nông lâm kết hợp có cây ca cao"
Ngày đăng: 04/03/2024 08:49
Ngày đăng: 04/03/2024 08:49
Ngày 01/3/2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp Công ty TNHH Puratos Grand - Place Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm “Cơ hội tham gia thị trường tín chỉ các bon cho hệ thống nông lâm kết hợp có cây ca cao”.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Cây ca cao là một trong năm cây công nghiệp dài ngày và đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương xây dựng Đề án phát triển ca cao bền vững với mục tiêu nhằm xây dựng ngành hàng cao cao của tỉnh phát triển theo chuỗi giá trị đảm bảo bền vững về mặt kinh tế, xã hội và đặc biệt là môi trường theo hướng giảm phát thải khí các bon; Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao cao ngày càng tăng ở thị trường xuất khẩu và nội địa.
Ông Nguyễn Hắc Hiển - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phát biểu khai mạc buổi tọa đàm
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hắc Hiển cho biết: Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế đặc biệt là ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỉnh Đắk Lắk tập trung chỉ đạo đánh giá việc thực hiện Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 13/02/2015 về việc Ban hành kế hoạch tăng trưởng xanh giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2025; đồng thời xây dựng Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn tới phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cam kết đưa mức phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050. Theo kết quả nghiên cứu, một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có lượng phát thải lớn đã được ghi nhận bao gồm: Riêng khí CO2, theo thống kê, mỗi năm, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn, chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc. Trong đó, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt.
Bà Anne Theuerkauf - Quản lý dự án (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - GIZ) phát biểu tại buổi tọa đàm
Tiêu dùng xanh hiện nay là một xu thế, sản phẩm ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn phải chứng minh phát triển bền vững, đảm bảo môi trường. Vì thế, ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận hướng tới nền nông nghiệp xanh, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Nông nghiệp được xem là ngành gây phát thải rất lớn, do vậy giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sắp tới cũng sẽ trở thành định hướng mà nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc mong muốn đạt được, đồng thời tạo được sản phẩm đầu ra chất lượng tốt hơn, tạo thương hiệu nông sản thân thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho nông dân và chuẩn bị tư thế sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon một khi thị trường này được hoạt động vào năm 2028.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Có thể thấy, sản xuất theo hướng giảm phát thải khí CO2 không chỉ phù hợp với xu thế tiêu dùng mới, mà quan trọng hơn đây sẽ là cơ hội để nông dân Việt Nam bán tín chỉ khí CO2 nhờ vào việc canh tác giảm phát thải khí nhà kính.
Phòng Bảo vệ thực vật
23/09/2024 14:53:00
19/07/2024 09:02:27
07/06/2024 10:28:39
03/06/2024 16:42:11