Khai giảng lớp tập huấn giảng viên về sức khỏe cây trồng (TOT - IPHM)
Ngày đăng: 10/10/2024 20:26
Ngày đăng: 10/10/2024 20:26
Ngày 09/10/2024, tại Thành phố Buôn Ma Thuột. Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật) khai giảng lớp tập huấn nâng cao cho giảng viên TOT - IPM lên TOT - IPHM cho 30 cán bộ đang công tác trong ngành Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
(Toàn cảnh buổi khai giảng)
Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quyết định phê duyệt đề cương thực hiện nhiệm vụ “Phát triển ứng dụng quản lý sinh vật gây hại tổng hợp (IPM/IPHM) và biện pháp sinh học phòng chống sinh vật gây hại cây trồng” năm 2024. Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung được Cục Bảo vệ thực vật giao nhiệm vụ tổ chức một lớp tập huấn nâng cao cho các giảng viên TOT - IPM lên TOT - IPHM tại Đắk Lắk.
Tham gia lớp tập huấn, các giảng viên TOT - IPM sẽ được bổ sung các kiến thức về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp để các giảng viên này có đủ kiến thức, điều kiện giảng dạy các lớp TOT - IPHM, qua đó tạo nguồn giảng viên IPHM cho các tỉnh để đào tạo, tổ chức các lớp TOT - IPHM cấp tỉnh và huấn luyện nông dân (FFS) về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) tại địa phương.
Mục tiêu của khóa đào tạo nhằm tăng cường an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống trồng trọt và bảo vệ thực vật. Thông qua chương trình IPHM, cán bộ kỹ thuật và người dân sẽ được trang bị những kiến thức để sản xuất cây trồng an toàn, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình canh tác, giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Từ đó, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở cân bằng hệ sinh thái để quản lý sức khỏe cây trồng và hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sinh vật hại; đồng thời áp dụng những kiến thức đã học vào các biện pháp canh tác, tăng khả năng chống chịu của cây trồng.
(Ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung - Cục Bảo vệ thực vật phát biểu khai giảng lớp tập huấn)
Ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung cho biết, từ năm 2020, các diễn đàn khoa học thế giới với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế đã họp bàn về chủ đề một sức khỏe. Theo ông Tuấn, đây là giải pháp tiếp cận tổng hợp các mối quan hệ cơ bản giữa sức khỏe con người - sức khỏe động, thực vật - sức khỏe môi trường. Trong quá trình thảo luận, ý kiến của nhiều quốc gia phát triển cho rằng cần phải quan tâm đến sức khỏe cây trồng.
Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ thực vật đã đề xuất Bộ NN-PTNT xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (viết tắt là IPHM) trên cơ sở kế thừa chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ở Việt Nam. Năm 2024, Trung tâm được Cục Bảo vệ thực vật giao nhiệm vụ tổ chức các lớp tập huấn đào tạo giảng viên IPHM và các lớp huấn luyện nông dân (FFS) trên cây sầu riêng tại một số tỉnh Tây Nguyên”, ông Tuấn nói.
(Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đắk Lắk phát biểu tại buổi khai giảng)
Phát biểu tại buổi khai giảng, ông Nguyễn Hắc Hiển cho biết hiện tại độ bao phủ chương trình IPHM còn hạn chế do thiếu kinh phí đầu tư. Số lượng giảng viên IPHM được đào tạo trong những năm qua trên cả nước tăng đáng kể, tuy nhiên số lượng giảng viên ở từng địa phương lại có sự chênh lệch. Vì vậy, lớp học với sự tham gia của 30 học viên và sự đồng hành của 5 giảng viên TOT - IPHM quốc gia sẽ góp phần đẩy mạnh chương trình IPHM tại các địa phương.
Cây trồng là nguồn cung cấp sản phẩm cho con người và dùng làm thức ăn cho chăn nuôi cũng như có nhiều giá trị, lợi ích khác. Nếu cây trồng không khỏe, sản phẩm không an toàn thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Ông Hiển mong muốn các học viên tiếp thu những kiến thức, kỹ năng chuyên môn khi học tập và trải nghiệm tại lớp tập huấn cũng như kết hợp các kỹ năng hoạt động theo nhóm; kỹ năng hướng dẫn lớp học hiện trường (FFS); kỹ năng truyền thông, tuyên truyền; phương pháp đào tạo phi chính quy đối với người lớn tuổi; tuyên truyền phổ biến kiến thức…
Hiện nay, quản lý sức khỏe cây trồng được quy định tiêu chí trong đánh giá nông thôn mới. Với quy định này, thời gian tới việc phát triển giảng viên TOT - IPHM rất cần thiết. Kết thúc lớp học, những giảng viên TOT - IPHM sẽ đủ điều kiện làm giảng viên các lớp đào tạo cấp tỉnh, huấn luyện, hướng dẫn viên cộng đồng hoặc huấn luyện nông dân về IPHM.
(Các đại biểu và học viên chụp hình lưu niệm)
Phòng Bảo vệ thực vật
23/09/2024 14:53:00
19/07/2024 09:02:27
07/06/2024 10:28:39
03/06/2024 16:42:11