Kết quả triển khai chương trình tập huấn phòng trừ cây mai dương của Trạm Bảo vệ thực vật Huyện Lắk Năm 2015
Ngày đăng: 04/12/2015 00:00
Ngày đăng: 04/12/2015 00:00
Lắk là một huyện nông nghiệp, trong cơ cấu kinh tế của huyện thì lĩnh vực nông - lâm nghiệp chiếm 55,68%. Sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn đầu tư, tình hình hạn hạn, sâu bệnh gây hại và đặc biệt trong những năm gần đây sự xuất hiện và phát tán ngày càng nhanh của cây mai dương đã gây rất nhiều khó khăn. Hiện nay trên địa bàn huyện Lắk cây mai dương mọc chủ yếu tại các khu vực như ven sông Krông Ana, ao hồ, các kênh mương, dọc các con suối như suối Đăk Phơi, suối Đăk Liêng, Đăk Nuê, trên bờ ruộng nơi những vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang và một số len lỏi trong khu dân cư, sườn đồi, chân đồi. Diện tích mai dương do UBND các xã, thị trấn quản lý khoảng 101,35ha. Nếu tính cả diện mai dương mọc tại các công trình thủy lợi như: Trạm bơm, lòng hồ thủy điện Buôn Tua Srah thì con số này gần 200ha. Việc phát triển và xâm lấn của cây mai dương đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, đến môi trường và hệ sinh thái... Trước tình hình đó UBND huyện Lắk đã yêu cầu các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương tích cực đẩy mạnh công tác phòng trừ, ngăn chặn sự xâm lấn của cây mai dương.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, từ ngày 01/11 đến 22/11/2015 trạm Bảo vệ thực vật huyện Lắk đã tổ chức 12 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng trừ cây mai dương cho 600 lượt nông dân các xã, thị trấn trong toàn huyện. Đối tượng tập huấn chủ yếu là nông dân, ngoài ra còn có đại diện các ban ngành, đoàn thể ở địa phương như: Ban tự quản thôn, buôn, chi hội Phụ nữ, chi hội Nông dân, đoàn Thanh niên…
Tham gia lớp tập huấn các học viên được tìm hiểu về cây mai dương, nguồn gốc phân bố, đặc điểm thực vật học, đặc điểm gây hại và quy trình kỹ thuật phòng trừ cây mai dương…Trước khi tham gia tập huấn một bộ phận nông dân đã biết về cây mai dương có tác hại rất lớn và đã có ý thức chặt bỏ cây mai dương mọc trong diện tích đất sản xuất của họ. Tuy nhiên, tại một xã như: Ea R’bin, Nam Ka, Krông Nô thì mai dương vẫn là khái niệm xa lạ, mới mẻ với hầu hết nông dân. Và nhìn chung trên địa bàn huyện Lắk hiện nay cây mai dương mọc ở những khu vực kênh mương nội đồng, đất hoang hóa… chưa được chính quyền địa phương quan tâm và thường xuyên tổ chức các đợt diệt trừ.
(Ảnh: Một lớp tập huấn kỹ thuật phòng trừ cây mai dương)
Trong các buổi tập huấn, ngoài việc trao đổi về lý thuyết, giảng viên còn hướng dẫn nông dân thăm trực tiếp cây mai dương mọc ngoài tự nhiên. Đồng thời cũng hướng dẫn nông dân cách phát dọn cây mai dương, tác dụng của một số loại thuốc bảo vệ thực vật và cách sử dụng thuốc để diệt trừ cây mai dương....
(Ảnh: Cây mai dương mọc trên đất hoang hóa tại Xã Đắk Liêng, huyện Lắk)
Các lớp tập huấn đã giúp cho đông đảo nông dân, các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương hiểu rõ trách nhiệm tổ chức diệt trừ mai dương là của các chủ tài nguyên thực vật và của cả cộng đồng. Đồng thời, cũng thông qua lớp tập huấn đã trang bị cho nông dân sự hiểu biết và tác hại của cây mai dương và biện pháp diệt trừ để nông dân áp dụng trong sản xuất. Từ đó có thể nâng cao được hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo nguồn thu nhập thường xuyên ổn định, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Mai dương hiện được xem là loài cỏ dại nguy hiểm nhất đối với các vùng đất ngập nước vùng nhiệt đới. Cùng với ốc bươu vàng, sự phát sinh ngày càng tăng của cây mai dương đã gây tác động xấu đến sản xuất nông lâm nghiệp của cả huyện. Vì thế việc tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ cây mai dương cho đông đảo nông dân và các ban ngành của xã, thị trấn là cần thiết và phải được duy trì thường xuyên.
Nguồn: Trạm BVTV Huyện Lắk
23/09/2024 14:53:00
19/07/2024 09:02:27
07/06/2024 10:28:39
03/06/2024 16:42:11