DỰ BÁO TÌNH HÌNH SINH VẬT HẠI VỤ HÈ THU NĂM 2021
Ngày đăng: 29/05/2021 00:00
Ngày đăng: 29/05/2021 00:00
I. Dự kiến tình hình thời tiết và sản xuất trong vụ:
1. Nhận định xu hướng thời tiết ảnh hưởng đến cây trồng, sâu bệnh:
Theo Dự báo số 05/BT-Thang, ngày 01/5/2021 của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk về Dự báo tình hình Khí tượng Thủy văn tháng 05 năm 2021 trên địa bàn tỉnh như sau: Tháng 05 năm 2021 tỉnh Đắk Lắk chịu ảnh hưởng chủ yếu rìa đông nam áp thấp nóng phía tây kết hợp với rìa xa tây nam lưỡi áp cao lãnh lục địa tăng cường yếu trong thời kỳ đầu, sau kết hợp với đới gió tây nam có cường độ yếu đến trung bình. Trên cao rìa tây nam lưỡi áp cao cận nhiệt đới.
Thời tiết phổ biến: Mây thay đổi, ngày nắng, có ngày có nơi nắng nóng. Thời kỳ đầu chiều tối và tối có mưa, mưa rào và dông vài nơi, có ngày rải ác. Thời kỳ giữa và cuối chiều tối và đêm có mưa, mưa rào và dông rải rác nhiều nơi, có ngày rải rác mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Trong mưa dông cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió đổi hướng sau tây đến tây nam cấp 2-3.
Nhiệt độ không khí trung bình phổ biến từ: 25,0-27,00C. Nhiệt độ thấp nhất từ 18,0-21,00C. Nhiệt độ cao nhất từ 32,0-36,00C.
Lượng mưa: Tổng lượng mưa các khu vực phổ biến xấp xỉ từ: 190,0 – 290,0mm
2. Kế hoạch sản xuất và thời vụ cây trồng: (Theo CV số 1103/SNN-TTBVTV, ngày 20/4/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT V/v triển khai kế hoạch sản xuất và hướng dẫn khung lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng vụ Hè thu năm 2021)
* Thời vụ gieo trồng:
Khung lịch thời vụ: Dự kiến 10/5-10/6 (theo Dương lịch).Cụ thể như sau:
* Cơ cấu giống:
+ Đối với cây lúa:
- Các vùng chủ động điều tiết nước tập trung gieo sạ từ 10/5 - 10/6, có thể tranh thủ mùa mưa đến sớm gieo sạ trước 10/5 và kết thúc trước 30/5; ưu tiên sử dụng các giống lúa có chất lượng gạo ngon để tăng giá trị sản xuất.
- Các vùng không chủ động nước thì đủ nước đến đâu tiến hành làm đất gieo sạ đến đó, chú ý các chân ruộng trũng cần tranh thủ gieo sạ càng sớm càng tốt và sử dụng các giống lúa thuần ngắn hoặc trung ngày (90 - 95 ngày) để có thể thu hoạch trước 30/8 tránh mưa lũ, ngập lụt.
- Giống chủ lực: HT1, VND95-20, ML48, OM4900, OM6162, OM5451, IR64, Đài Thơm 8, TH3-3, Nhị ưu 838…
- Giống bổ sung: RVT, ĐV108, OM 3536, OM 6976, Hương Châu 6…
+ Đối với cây màu:
- Cây ngô: Tập trung gieo tỉa khoảng từ 10/5 - 10/6, tùy theo thời tiết của từng vùng có thể gieo sớm hoặc muộn hơn riêng khu vực phía Đông tỉnh và huyện M’Đrắk cần chú ý gieo muộn hơn, chỉ gieo tỉa khi có mưa đều, đất đủ ẩm. Các giống khuyến cáo: LVN146, LVN66, NK66, NK7328, SSC586, CP501, CP888, CP3Q, Bioseed 9698, PAC999, MAX07, VN5885, ...
- Đậu các loại: Tập trung gieo tỉa khi có mưa đều khoảng từ 10/5 - 30/5, có thể gieo sớm hoặc muộn hơn tùy theo thời tiết của từng vùng, nên sử dụng các giống đậu ngắn ngày.
- Cây sắn: Tập trung trồng từ trung tuần tháng 5 đến trung tuần tháng 6; Sử dụng các giống sắn cao sản, sạch bệnh, không lấy giống ở những vùng bị nhiễm bệnh và kết hợp với đầu tư thâm canh, khuyến cáo thực hiện luân canh tránh thoái hóa đất.
+ Kế hoạch sản xuất vụ Hè thu 2021:
STT |
Cây trồng |
Diện tích (ha) |
1 |
Lúa nước: |
60.000 ha |
2 |
Ngô |
59.100 ha |
3 |
Khoai lang: |
2.740 ha |
4 |
Sắn |
35.880 ha |
5 |
Đậu xanh |
6.000 ha |
6 |
Đậu các loại |
10.250 ha |
7 |
Đậu nành |
1.480 ha |
8 |
Đậu phộng (lạc) |
2.680 ha |
9 |
Rau các loại |
4.820 ha |
10 |
Mía |
16.000 ha |
11 |
Cây hàng năm khác |
5.010 ha |
II. Tình hình sinh vật hại hiện tại :
* Nhóm cây ăn quả:
1. Trên cây sầu riêng: Bệnh cháy lá chết đọt TLH 15-30%, DTN 5 ha (ea Kar); rầy bông (rầy phấn , tua trắng) TLH 10-30%, DTN 13ha (Ea Kar); Rầy nhảy TLH 5-15%, DTN 03 ha (Krông Năng) Mọt đục cành, bệnh héo chết nhanh do nấm Phytopthora, bệnh chảy gôm….gây hại rải rác.
2. Trên cây có múi (cam quýt): Bệnh Greening TLH 15-45%, DTN 11 ha (Ea Kar); Bệnh vàng lá thối rễ TLH 15-35%, DTN 7,5 ha (Ea Kar); Sâu vẽ bùa TLH 8-35%, DTN 22ha (Ea Kar); Ruồi đục trái, sâu tiện vỏ, dòi đục lá, sâu đục thân, thán thư, bệnh vàng lá gân xanh gây hại rải rác.
3. Cây bơ: Sâu ăn lá MĐ 3-25con/m2, DTN 11ha (Ea Kar, Ea H’leo); Bọ vòi voi TLH 5-15%, DTN 3,7ha (Ea H’leo); Bọ xít muỗi 5-15%, DTN 3,1ha(Ea H’leo); Một số sâu bệnh khác gây hại rải rác không đáng kể.
4. Cây Vải: Rệp sáp TLH 10-25%, DTN 11ha (Ea Kar); Một số sâu bệnh khác gây hại rải rác không đáng kể.
* Nhóm cây CN lâu năm:
5. Trên cây ca cao: Bọ xít muỗi TLH: 3-35%, DTN 15 ha (Ea Kar, Ea H’Leo); Rệp muội (rầy mềm) TLH 10-35%, DTN 18 ha (Ea Kar); Sâu hồng TLH 15-35%, DTN 07 ha (ea Kar); Một số sâu bệnh khác gây hại rải rác không đáng kể.
6. Trên cây cà phê: Rệp sáp TLH 3-20%, DTN 24 ha (Krông Búk, Ea H'leo, Krông Păk, Tx. Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột); Bệnh gỉ sắt TLH 3-35%, DTN 46 ha (Krông Búk, Ea Kar, Ea H’leo); Bệnh khô cành TLH 2-35%, DTN 14ha ( Ea Kar, Tx. Buôn Hồ); Bệnh nấm hồng TLB: 3-10% DTN 6,7 ha ( TX.Buôn Hồ, Ea H’leo); Rệp vảy (xanh, nâu) TLH 3-40%, DTN 26,8 ha (Ea Kar, TX. Buôn Hồ, Ea H'leo); Mọt đục cành TLH từ 2-4%, DTN 4 ha (Tx. Buôn Hồ); Sâu đục thân mình hồng TLH 3-10%, DTN 3 ha (Krông Năng) và các loại sâu, bệnh hại khác gây hại không đáng kể.
7. Trên cây điều: Bọ xít muỗi TLH: 5-40%, DTN 31,4 ha (Ea Kar, Ea H’leo), giảm nhẹ so với kỳ trước; Bệnh thán thư TLH 5-35%, DTN 36 ha (Ea Kar, Krông Búk,); Sâu đục thân, cành TLH 10-35%, DTN 14 ha (Ea Kar); Sâu đục rộp lá TLH 15-40%, DTN 31 ha (Ea Kar), một số sâu bệnh khác gây hại rải rác không đáng kể.
8. Trên cây hồ tiêu: Bệnh vàng lá chết chậm TLH 3-15%, DTN 83,1 ha (Buôn Đôn, Krông Búk, Cư M'gar, Ea H'leo, Ea Kar, TX. Buôn Hồ, Krông Năng); Bệnh chết nhanh TLH 1-36%, DTN 19,1 ha (Ea H'leo, TX. Buôn Hồ, Buôn Đôn); Bệnh đốm tảo TLB 10-35% DTN 28ha (Ea Kar); Tuyến trùng TLH: 3-35%, DTN 18,5 ha (TX. Buôn Hồ, Ea H’leo, Ea Kar). Một số sâu, bệnh khác gây hại rải rác.
* Nhóm cây CN ngắn ngày:
9. Trên cây sắn (mì): Khảm lá do virus gây hại TLH 5-40%, DTN 29 ha (Ea Súp, Ea Kar, Krông Bông); Bệnh đốm lá vi khuẩn TLH 5-10% DTN 04 ha (Ea Kar). Một số sâu, bệnh khác gây hại rải rác.
* Nhóm cây lâm nghiệp
10. Cây keo: Bệnh chết héo TLH 10-22%, DTN 206,7 ha (Lắk). Một số sâu, bệnh khác gây hại rải rác.
* Nhóm cây lương thực:
11. Trên cây lúa:Bệnh đạo ôn TLB 2-5%, DTN 04 ha (TX. Buôn Hồ); Sâu cuốn lá nhỏ TLH 2-3%, DTN 03 ha (TX. Buôn Hồ); Bệnh bạc lá TLH 5-35%, DTN 13 ha (Ea Kar, Krông Bông); Rầy nâu 1000-5000con/m2, DTN 25,7ha (Ea Kar, Krông Bông, Ea Súp, M'Đrăk); Bệnh lem lép hạt TLH 5-40%, DTN 21,6ha (Ea Kar, Krông Bông); Sâu cắn gié 3-10con/m2, DTN 08ha (Lắk); Sâu đục thân TLH 2-4 con/m2, DTN 03 ha (Tx. Buôn Hồ) và các loại sâu, bệnh khác gây hại rải rác.
* Nhóm cây lương thực khác:
12. Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu 4-6 con/m2, DTN 2,5 ha (Lắk). Một số sâu, bệnh khác gây hại rải rác.
* Nhóm cây rau màu:
13. Trên cây rau các loại: Bệnh cháy lá/thối lá TLH 15-25%, DTN 05 h; Ruồi đục quả TLH 15-20%, DTN 5 ha; Bệnh héo xanh TLH 17-20%, DTN 05 ha; Bệnh thối hạch TLH 8-25%, DTN 05 ha; Sâu ăn lá MĐ 10-20 con/m2, DTN 04ha; Dòi đục lá TLH 15-30%, DTN 04 ha; Bệnh héo vàng TLH 15-20%, DTN 05 ha gây hại cục bộ tại Ea Kar.
III. Dự báo tình hình sinh vật hại chủ yếu trên một số cây trồng chính trong vụ Hè thu 2021:
1. Trên cây lúa nước: Có một số đối tượng gây hại chủ yếu sau đây :
- Bọ trĩ: Có khả năng gây hại cục bộ thời kỳ mạ - đẻ nhánh (tháng 6-7), chủ yếu trên những chân ruộng cao, thiếu nước, gieo sạ muộn, chăm sóc kém.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng: Có khả năng phát sinh gây hại giai đoạn lúa làm đòng - trỗ bông (tháng 9-10), mật độ cao cục bộ trên một số giống nhiễm rầy (lúa nếp, Tám thơm, Nàng hương, lúa lai,…). Cần lưu ý theo dõi rầy trưởng thành vào đèn trên từng vùng lúa khác nhau để dự báo chính xác thời gian phát sinh các lứa rầy trong vụ.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Phát sinh gây hại trong suốt thời gian sinh trưởng của cây lúa, gây hại mạnh (chủ yếu trên các giống lúa lai) giai đoạn đứng cái - làm đòng - trỗ.
- Sâu đục thân hai chấm: Gây hại rải rác trên cây lúa từ đẻ nhánh sau đó tăng dần từ giai đoạn đòng trỗ - chín.
- Ốc bươu vàng: Gây hại rải rác các vùng và có khả năng gây hại cục bộ ngay từ khi mới gieo sạ, đặc biệt ở những vùng trũng ngập nước (Lắk, Ea Suop, Krông Bông, Krông Ana…).
- Chuột: Gây hại rải rác ngay từ đầu vụ trên những ruộng mới gieo sạ ven làng, ven rừng, sau đó gây hại mạnh giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng, là đối tượng cần được quan tâm và có biện pháp chỉ đạo phòng trừ sớm ngay từ đầu vụ, diệt chuột liên tục để hạn chế mức độ thiệt hại do chuột gây ra.
- Bệnh đạo ôn, khô vằn: Phát sinh gây hại mạnh vào thời kỳ lúa đứng cái - làm đòng, trỗ bông. Trên những chân ruộng trũng, gieo sạ dày, bón nhiều phân đạm, bón phân không cân đối, bệnh sẽ phát sinh phát triển mạnh (tháng 7-9).
- Bệnh lem lép hạt, bệnh hoa cúc: Phát sinh hại nặng trên giống nhiễm ở giai đoạn lúa trỗ-ngậm sữa trong điều kiện nắng nóng xen kẽ mưa giông vào tháng 7- 8.
2. Trên cây rau các loại:
- Sâu khoang, sâu đục thân, dòi đục gốc, dòi đục lá gây hại rải rác.
- Bệnh thối nhũn, cháy lá vi khuẩn gây hại mạnh trên rau họ thập tự, bệnh lở cổ rễ, thối gốc, rỉ sắt, phấn trắng, đốm lá sẽ phát sinh gây hại mạnh trên cây họ đậu, bầu bí.
3. Trên cây ngô - đậu đỗ:
* Trên cây ngô:
- Sâu xám, sâu khoang, sâu xanh, rệp muội…gây hại rải rác giai đoạn cây con.
- Sâu keo mùa thu gây hại ở vụ Hè Thu, vụ 1 và vụ 2. Vụ 1 (cuối tháng 5 đến giữa tháng 7/2021 giai đoạn PTTL- xoáy nõn). Vụ 2 (giữa tháng 8- giữa tháng 10/2021)
- Sâu đục thân, rệp cờ gây hại giai đoạn trổ cờ, bắp non, chín.
- Bệnh rỉ sắt, bệnh khô vằn gây hại giai đoạn cuối vụ.
* Trên cây đậu đỗ các loại:
- Sâu xám, bệnh lở cổ rễ, bệnh héo xanh, hại chủ yếu giai đoạn cây con.
- Sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá, dòi đục thân, gốc… hại chủ yếu giai đoạn phát triển thân lá. Sâu đục quả, bệnh đốm lá, gỉ sắt phát sinh hại giai đoạn ra hoa - quả non.
4.Trên cây sắn:
Bệnh khảm lá do virus sẽ gia tăng gây hại mạnh vào các tháng 6-8/2021 khi trồng mới và đã có diệm tích nhiễm bệnh khảm lá virus tại các huyện.Cần chú ý thêm Bọ phấn, rệp sáp bột hồng, rệp sáp, nhện đỏ, bệnh hổi rồng có xu thế lây lan.
5. Trên cà phê:
- Rệp sáp mềm xanh phát triển tăng dần, cao điểm vào tháng 8-9. Rệp sáp hại chùm quả có xu hướng phát sinh gây hại rải rác và có khả năng gây hại cục bộ trong các tháng ít mưa, những nơi mưa không đều (tháng 6-7). Rệp sáp hại rễ, tuyến trùng, bệnh thối rễ có khả năng gây hại cục bộ một số vườn cà phê già cỗi, lâu năm, chăm sóc kém.
-Bệnh rỉ sắt phát sinh gây hại tăng dần từ đầu vụ, đến cuối vụ thường gây hại nặng vào tháng 11-12.
5. Cây tiêu:
- Bệnh vàng lá chết nhanh phát sinh gây hại từ tháng 7-8, tăng dần và gây hại mạnh từ tháng 9 - 12, trên những vườn tiêu bị úng nước, thoát nước kém. Bệnh vàng lá chết chậm (do tuyến trùng, rệp sáp, nấm) phát sinh gây hại cục bộ.
- Bệnh thán thư, đốm lá, đốm tảo, xoăn lá (do virus) gây hại rải rác.
6. Trên cây điều:
- Bọ xít muỗi, sâu đục thân, sâu phỏng lá, bọ phấn đục nõn, nấm hồng gây hại rải rác và có khả năng gây hại nặng cục bộ (tháng 7- 10) một số vùng như EaKar, Krông Bông, Ea Suop...
7. Trên cây mía:
- Sâu đục thân, sùng hại rễ, bọ trĩ gây hại rải rác giai đoạn mía đâm chồi - đẻ nhánh. Rệp xơ trắng, bệnh đốm lá, gỉ sắt, đốm đỏ bẹ lá gây hại phổ biến giai đoạn mía vươn lóng - tích lũy đường.
8. Cây sầu riêng, Bơ, Thăng long:
- Bệnh nứt thân xì mủ, bệnh héo chết nhanh do Phytopthora trên cây sầu riêng, bệnh đốm nâu thanh long,... phát sinh gây hại tăng do điều kiện thời tiết mưa nhiều và ẩm độ cao.
9. Trên cây ca cao:
- Bọ xít muỗi, rệp sáp chích hút nhựa trái, chồi non, cành non phát sinh cục bộ.
- Bệnh thối trái, khô ngược cành, loét thân, thối lá, héo rũ, nấm hồng phát triển nhiều vào mùa mưa. Ngoài ra còn một số bệnh như bệnh hại rễ, khô thân gây hại rải rác.
10.Trên cây cao su:
- Bệnh loét sọc miệng cạo, rụng lá mùa mưa, nấm hồng phát sinh, gây hại mạnh khoảng tháng 7-9.
11. Cây nhãn, vải:
- Bệnh chổi rồng nhãn, bọ xít nâu, sâu đo, bệnh thán thư, bệnh sương mai hại tăng; sâu đục quả tiếp tục hại.
12. Cây ăn quả có múi:
- Sâu đục quả.... tiếp tục phát sinh và gây hại tăng, đặc biệt là trên các vườn chăm sóc kém;
- Bệnh chảy gôm, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh greening,... tiếp tục phát sinh và gây hại tại các vùng chuyên canh, chăm sóc kém.
13. Trên cây rừng trồng:
- Mối, bệnh lở cổ rễ , bệnh chết héo gây hại rải rác đến cục bộ trên cây keo lai trên cây rừng mới trồng năm 1-3. Bệnh chết héo trên cây keo lai phát sinh gây hại rải rác đến cục bộ trên những rùng trồng đầu nguồn, rừng phòng hộ tại các địa phương... Bệnh phấn trắng, nấm bồ hóng gây hại trên rừng trồng năm thứ 3 trở đi.
23/09/2024 14:53:00
19/07/2024 09:02:27
07/06/2024 10:28:39
03/06/2024 16:42:11