38 Năm hình thành và phát triển của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk (10/10/1977-10/10/2015)
Ngày đăng: 17/08/2015 00:00
Ngày đăng: 17/08/2015 00:00
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk là đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật và khử trùng xông hơi tại địa phương. Đồng thời chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật Miền trung, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng IV.
CB, CC, VC nhân dịp lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Chi cục BVTV
* Giai đoạn từ 1977 đến 1984 Trạm Bảo vệ thực vật tỉnh, nay là Chi cục Bảo vệ thực vật (Nhiệm vụ điều tra phát hiện, dự tính, dự báo, thông báo diễn biến tình hình bâu bệnh hại cây trồng và chỉ đạo sản xuất):
Trạm Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk được thành lập theo Quyết số 736-QĐ/UB ngày 10/10/1977 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Cơ cấu tổ chức của trạm tỉnh gồm 02 bộ phân: Tổ chức hành chính và bộ phận kỹ thuật ; biên chế có 12 CB,CC,VC và người lao động (02 Kỹ sư, 07 Trung cấp và 03 công nhân).
Các huyện có Trạm Bảo vệ thực vật: Thị xã Buôn Ma Thuột, Krông Pắc, Lăk, Krông Ana, các huyện khác có cán bộ kỹ thuật làm công tác bảo vệ thực vật. Nhiệm vụ chủ yếu chỉ đạo sản xuất và phòng trừ sâu bệnh hại.
Người phụ trách trạm Bảo vệ thực vật đầu tiên là đ/c Nguyễn Quốc Hiệp (1977-1980) nay đã nghỉ hưu tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; năm 1981 đ/c Trần Hữu Điền Phụ trách Trạm; đến tháng 02/1982 đ/c Nguyễn Quang Thụ làm Trưởng trạm.
Trụ sở làm việc của Trạm Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk đặt tại thôn Duy Hoà 2, xã Hoà Khánh, TX. Buôn Ma Thuột (nay là P. Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột).
* Giai đoạn từ tháng 10/1984 đến tháng 4/1991 Trạm BVTV tỉnh Đắk Lắk chuyển đổi tên là Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk:
Nhiệm vụ của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk bổ sung nhiệm vụ mới là quản lý và cung ứng vật tư bảo vệ thực vật phục vụ cho công tác phòng trừ sâu bệnh và chống dịch; đ/c Nguyễn Quang Thụ làm Chi cục trưởng.
Đến năm 1986 Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk sáp nhập với Trại lúa Hoà Xuân và Công ty Vật tư nông nghiệp thành Công ty Dịch vụ cây trồng tỉnh Đắk Lắk, đ/c Huỳnh Chiến làm Giám đốc Công ty và đ/c Nguyễn Huy Phát làm Chi cục trưởng.
Tháng 4/1991 Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk tách khỏi Công ty Dịch vụ cây trồng về trực thuộc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk (nay là Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk ), trụ sở làm việc đặt tại số 94 đường Độc Lập (nay là đường Lê Duẩn).
* Giai đoạn từ tháng 4/1991 đến nay:
Đến tháng 02/1993 văn phòng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk chuyển về số 9B đường Hùng Vương, TP. Buôn Ma Thuột (nay là số 11 đường Hùng Vương).
Hệ thống tổ chức của ngành bảo vệ thực vật chia thành 2 cấp: cấp Trung ương là Cục Bảo vệ thực vật, địa phương có Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và hệ thống Trạm Bảo vệ thực vật huyện, thị xã, thành phố. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk có 3 phòng chức năng, 01 trạm kiểm dich thực vật và với 19 Trạm Bảo vệ thực vật huyện, TP thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk; đội ngũ cán bộ, CC,VC và người lao động được tăng lên 62 người; trong đó trình độ đại học là 23 người, trung cấp 35 người và công nhân 04 người.
Tháng 7 năm 2002 chuyển các Trạm Bảo vệ thực vật huyện, thành phố về trực thuộc UBND huyện, TP quản lý theo Quyết định 100/QĐ-UBND ngày 26/7/2002 của UBND tỉnh chuyển giao các Trạm BVTV huyện, TP về trực thuộc UBND huyện.
Năm 2004 tách tỉnh Đắk Lắk thành 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, đã chuyển giao 06 Trạm BVTV huyện về tỉnh Đắk Nông, còn lại 13 Trạm BVTV huyện, TP: Ea H’Leo, Ea Súp, Ea Kar, Krông Buk, Krông Năng, Krông Pắc, Krông Ana, Krông Bông, Lắk, Buôn Đôn, Cư M’Gar, M’Đrắk và TP. Buôn Ma Thuột.
Ngày 31/8/2012 thực hiện Quyết định số 1674/QĐ-UBND ngày 01/8/2012 của UBND tỉnh Đắk Lắk chuyển giao các trạm BVTV huyện, TX, TP về trực thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật:
- Cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk hiện nay gồm có:
+ Lãnh đạo Chi cục (Chi cục trưởng: Ông Nguyễn Huy Phát; các Phó chi cục trưởng: Ông Lê văn Thành, bà Vũ Thị Thanh Bình).
+ Phòng Tổng hợp;
+ Phòng Kỹ thuật;
+ Phòng Pháp chế thanh tra;
+ Trạm Kiểm dịch thực vật Trung tâm;
+ Trại thực nghiệm Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật;
+ 04 Trạm Kiểm dịch thực vật đầu mối;
+ 15 Trạm Bảo vệ thực vật huyện, thị xã, thành phố.
- Tổng số cán bộ, công chức, viên chức: 93 người (01 Hợp đồng thời vụ). Trong đó: nam 55 người; nữ 38 người; dân tộc thiểu số 07 người.
- Trình độ chuyên môn: 09 thạc sỹ; 74 đại học; 01 cao đẳng; 05 trung cấp; 04 công nhân.
- Tổ chức chính trị đoàn thể gồm có: 52 đảng viên, sinh hoạt tại Chi bộ Chi cục 15 đảng viên và 37 đảng viên của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, thị xã, thành phố sinh hoạt tại các Chi bộ thuộc Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và Phòng Kinh tế thị xã, thành phố; Công đoàn Chi cục: 92 đoàn viên; Chi đoàn TNCSHCM: 17 đoàn viên.
Lễ chuyển giao Trạm BVTV huyện, TX, TP về Chi cục BVTV
Trạm Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk nay là Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk. Trong 38 năm từ khi thành lập, đã lớn mạnh về mọi mặt, đủ sức đáp ứng nhu cầu sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh và trải qua nhiều giai đoạn phát triển của nền nông nghiệp của tỉnh nhà.
Một trong những thành tựu đáng ghi nhận trong những năm qua, đó là công tác dự tính, dự báo, chỉ đạo phòng, chống dịch trên cây trồng ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng ngày càng được nâng cao. Trong những năm qua, về cơ bản đã thực hiện tốt dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại trên các loại cây trồng, trên cơ sở đó thực hiện thông báo, cảnh báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời những đối tượng dịch hại nguy hiểm, không để lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất những thiệt hại như: Sâu gai năm 1979-1980-1983-1984 tại các huyện Lắk, Krông Nô, Krông Ana; châu chấu đầu năm 1979-1980-1983-1984 ở các huyện Cư M’gar, Ea H’leo; rệp sáp phát sinh gây hại cây cà phê trên địa bàn toàn tỉnh năm 1994-1995, 2004-25005; bọ xít dài năm 1995-1996-1997 ở các huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông; bệnh hại rễ cây cà phê năm 1996-1997; bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu năm 2009-2013; rệp sáp bột hồng phát sinh gây hại cây sắn năm 2014; do đó, đã góp phần bảo vệ được năng suất, sản lượng cây trồng. Điểm nổi bật trong những năm gần đây, đơn vị đã đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhiều chương trình, dự án, mô hình, tiên tiến có hiệu quả được nông dân hưởng ứng và nhân rộng như: Quy trình quản lý dịch hại tổng hợp; mô hình Ba giảm, ba tăng; mô hình Một phải, năm giảm; mô hình Áp dụng biện pháp quản lý giống cây trồng tổng hợp (RICM); chương trình Cùng nông dân ra đồng trên cây lúa; chương trình sản xuất cà phê an toàn; mô hình rau an toàn; chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản... không chỉ cho hiệu quả cao hơn so với tập quán sản xuất của nông dân từ 10-50 triệu đồng/ha mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm gắn với bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
Phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả
Mô hình sản xuất lúa RICM tại Buôn Triết, huyện Lắk
Bên cạnh đó, đơn vị cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo chuyên môn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, các kho nông sản, theo dõi các giống cây trồng nhập nội, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cấp chứng nhận tập huấn chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật
Ngoài ra, trong hoạt động hành chính Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk còn thực hiện tốt công tác cải cách hành chính như: áp dụng TCVN ISO 9001-2008 trong công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện đơn giản hoá các thủ tục hành chính theo Đề án 30; thực hiện tốt chính sách đối với CB,CC,VC, các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đặc biệt trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực… ; bên cạnh đó đơn vị được Ban Dân vận Tỉnh uỷ phân công kết nghĩa với buôn Ea Chố, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, đơn vị đã phối hợp với các công ty, chi nhánh thuốc BVTV đóng trên địa bàn tỉnh để giúp đỡ buôn làng về vật chất, giúp buôn làng duy trì tổ chức các ngày lễ truyền thống (lễ cúng bến nước, cúng rẫy…); duy trì an ninh chính trị, phát động quần chúng nêu cao cảnh giác với các âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng chính sách tôn giáo, dân tộc kích động đồng bào gây bạo loạn, làm mất trật tự an ninh thôn buôn, vì vậy trong những năm qua tình hình an ninh chính trị được giữ vững, kinh tế buôn làng được khởi sắc, mối đoàn kết giữa buôn làng và đơn vị ngày càng thắt chặt.
Giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, đơn vị đã được cấp trên và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao và đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng: Liên tục từ năm 1996 đến năm 2014 đã được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao và được tặng thưởng Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen cho tập thể và cá nhân và Công an tỉnh tặng Giấy khen về bảo vệ an ninh nội bộ cho đơn vị (Năm 1996, 2007: Chính phủ tặng Bằng khen cho tập thể Chi cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ; từ năm 1996 - 2008: Bộ nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho cán nhân và tập thể Chi cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2009: UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho tập thể Chi cục Bảo vệ thực vật ; năm 2010: UBND tỉnh tặng Bằng khen cho tập thể Chi cục Bảo vệ thực vật đã có thành tích trong chỉ đạo sản xuất vụ Đông - Xuân; năm 2011, 2012, 2013, 2014: UBND tỉnh tặng Chi cục Bảo vệ thực vật đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc ; năm 1997 Liên đoàn lao động tỉnh tặng Bằng lao động sáng tạo cho tập thể Chi cục Bảo vệ thực vật). Đơn vị phấn đấu năm 2015 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Chi bộ Đảng đạt trong sạch vững mạnh, Công đoàn cơ sở vững mạnh, cơ quan văn hóa xuất sắc.
CB,CC được trao tặng danh hiệu CSTĐ cấp tỉnh và KNC vì sự nghiệp nông nghiệp và PTNT
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn trong quá trình hoạt động, tập thể Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới./.
Nguồn: Phòng Hành Chính, Tổng Hợp
23/09/2024 14:53:00
19/07/2024 09:02:27
07/06/2024 10:28:39
03/06/2024 16:42:11